CHỮ KÝ SỐ

Chữ ký số (token) là gì? Chữ ký số được dùng cho mục đích gì? Tại sao doanh nghiệp bắt buộc phải có? Cùng Anpha tìm hiểu về chữ ký số trong bài viết này.

CHỮ KÝ SỐ (TOKEN) LÀ GÌ? 

Khái niệm chữ ký số

Có nhiều góc độ định nghĩa về token. Dưới góc độ doanh nghiệp sử dụng token thì chữ ký số/chứng thư số/token điện tử…là một thiết bị đã mã hóa tất cả dữ liệu, thông tin của một doanh nghiệp, dùng ký thay cho chữ ký trên các loại văn bản và tài liệu số thực hiện trong giao dịch điện tử hay qua mạng internet.

Căn cứ khoản 6 Điều 3 Nghị định 130/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số thì: “Chữ ký số” là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng, theo đó, người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khóa công khai của người ký có thể xác định được chính xác:

  • Việc biến đổi nêu trên được tạo ra bằng đúng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai trong cùng một cặp khóa;
  • Sự toàn vẹn nội dung của thông điệp dữ liệu kể từ khi thực hiện việc biến đổi nêu trên.
  • Có thể chia chữ ký số thành hai phần chính sau:

+ Phần cứng – giống một chiếc USB (được gọi là USB token) và được bảo mật bằng mật khẩu hay còn gọi là mã PIN;
+ Chứng thư số là phần không thể tách rời của chữ ký số, chứa tất cả dữ liệu đã được mã hóa của doanh nghiệp.

CHỮ KÝ SỐ VÀ CHỨNG THƯ SỐ CÓ GIỐNG NHAU?

Thực chất, chứng thư số là phần mã hóa bên trong chữ ký số chứa đựng các thông tin định danh nhằm xác nhận cá nhân, doanh nghiệp nào là người sử dụng chữ ký số.

Nội dung của chứng thư trong chữ ký số của doanh nghiệp gồm các thông tin cơ bản sau:

STT NỘI DUNG CỦA CHỨNG THƯ SỐ
1 Tên của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số (Ví dụ: VIETTEL-CA)
2 Thông tin của doanh nghiệp mua chữ ký số như: Tên công ty, mã số thuế…
3 Số hiệu của chứng thư số (số seri)
4 Thời hạn có hiệu lực của chứng thư số
5 Khóa công khai của doanh nghiệp được cấp chứng thư số
6 Chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số
7 Các hạn chế về mục đích, phạm vi sử dụng của chứng thư số
8 Các hạn chế về trách nhiệm pháp lý của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số
9 Thuật toán mật mã
10 Các nội dung cần thiết khác theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông

CHỮ KÝ SỐ ĐƯỢC DÙNG CHO MỤC ĐÍCH GÌ?

Chữ ký số sử dụng để kê khai nộp thuế trực tuyến, kê khai hải quan điện tử, giao dịch ngân hàng điện tử, giao dịch chứng khoán điện tử, kê khai bảo hiểm xã hội điện tử, ký hóa đơn điện tử, cổng thông tin một cửa quốc gia, cơ quan hành chính…mà không phải in các tờ kê khai, đóng dấu đỏ của công ty.

Cá nhân, doanh nghiệp có thể dùng chữ ký số để ký hợp đồng với các đối tác làm ăn trực tuyến mà không cần gặp nhau. Chỉ cần ký vào file hợp đồng và gửi qua email.

Lợi ích mà chữ ký số mang lại đối với doanh nghiệp:

  • Chữ ký số điện tử là thiết bị đảm bảo an toàn và chính xác, có tính bảo mật và toàn vẹn dữ liệu cao;
  • Các hồ sơ trực tuyến được công nhận về mặt pháp lý tương đương các hồ sơ bản cứng (có chữ ký của người có thẩm quyền và con dấu của tổ chức/doanh nghiệp). Vì thế đây là bằng chứng chống chối bỏ trách nhiệm trên nội dung đã ký, giúp cá nhân/cơ quan/tổ chức yên tâm hơn với giao dịch điện tử của mình;
  • Ngoài ra, chữ ký số sẽ giúp việc trao đổi dữ liệu dễ dàng, nhanh chóng, đảm bảo tính pháp lý, tiết kiệm rất nhiều thời gian đi lại, chờ đợi, không phải in ấn hồ sơ. Việc ký kết cũng có thể diễn ra ở bất kì đâu, bất kì thời gian nào.

Với chữ ký số, doanh nghiệp không còn phải in ấn và quản lý tài liệu giấy. Tổ chức/doanh nghiệp có thể điện tử hóa việc ký và lưu trữ các chứng từ, tài liệu như hợp đồng, chứng từ kế toán, báo cáo kế toán, báo cáo quản trị…

Tòa Monaco, 116 Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy, Hà Nội       kinhdoanh@htcjsc.vn       079.798.6666
Văn Phòng HCM: Tầng 6, Tòa nhà Serepok, 56 Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1, Thành Phố Hồ Chí Minh